Lan man về múa cột
Nhân dịp cán mốc 10 năm tập múa, Kim xin chia sẻ từ A-Z tất cả về múa cột và lời mời nho nhỏ tới tất cả mọi người!
CÂU CHUYỆN CỦA MÌNH
Múa cột vào Việt Nam khoảng năm 2012, nhưng tới 2015 mình mới bắt đầu tập luyện sau khi thấy bài post của chị chủ Hanoi Pole Mania trên facebook. Studio lúc đó mới mở, cơ sở vật chất hoành tráng nhất Hà Nội bấy giờ. 10 năm trôi qua, nhiều studio mới đẹp hơn được mở cửa ở nhiều địa điểm tại thủ đô, cho phép các cô gái thuận tiện hơn khi tiếp cận bộ môn này - nhưng Hanoi Pole Mania vẫn là một gương mặt lão làng với nhiều lợi thế về giá, chi nhánh và trình độ giáo viên.
23/3 này mình sẽ tham gia Show diễn thường niên kỉ niệm 10 năm thành lập của Hanoi Pole Mania, điều này có ý nghĩa lớn với mình vi nó trùng với chặng đường múa của mình. Vé miễn phí, gần ngày mình sẽ post để mọi người có dịp trải nghiệm xem trình diễn múa chuyên nghiệp và ủng hộ mình 😍
10 năm mà tập liền không nghỉ thì chắc giờ mình thành master rồi 😆 Nhưng cuộc đời đâu phải chỉ có múa cột, chưa kể những lúc chán anh cột, chấn thương hay mất động lực tập, mình lại mất hút mấy tháng rồi quay lại như mới. Đây là câu chuyện chẳng chỉ riêng mình, nhưng có lẽ, cứ mỗi lần “yêu lại từ đầu” như vậy, mình lại gật gù, cột quả là “chân ái”! Mỗi ngày, cột đều cho mình những thử thách mới để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình, studio múa luôn là nhà và là nơi an ủi lớn với mình.
Khi nhìn nhiều người bạn đồng môn của mình lần lượt rời bỏ studio đi lấy chồng, lập nghiệp, hay chỉ đơn giản là mất hứng bỏ cuộc chơi, cũng có nhiều người “bạn” đã trở thành “thầy” (cô thì đúng hơn!), mình ý thức được sự vận hành của cuộc sống. Sự đổi thay, thanh lọc, những định hướng, ước mơ từ trứng nước thành hình. Mình học được cách kiên trì trên chặng đường của chính mình và ngừng so sánh bản thân với người khác, tận hưởng từng niềm vui cùng thứ mình yêu.
Niềm đam mê với cột đã dẫn lối mình sang những thể loại nhảy múa khác như jazz, đương đại, ballet, heels, twerk, strip… để tìm chất liệu cho những chuyển động cơ thể của mình. Tất cả các thể loại mình từng học qua đều hay và đẹp, chúng là bàn đạp cho mình trở nên sáng tạo hơn trong bộ môn chính là pole dance.
Có những lúc, múa cột trở thành chủ đề nhạy cảm mà mình không dễ dàng chia sẻ với người khác. Nhưng rồi chính nó trở thành bộ lọc khiến mình dễ dàng tìm được những người đồng hành phù hợp hơn. Mình luôn thu hút những anh chàng, cô bạn trân trọng đam mê của mình và tự hào, ủng hộ mình luyện tập và lờ đi những lời rèm pha với quan điểm ấu trĩ.
Nếu mọi người hỏi mình, múa cột thì có gì hay, thì mình xin gắn hình ảnh minh họa dưới đây để minh họa với màu đỏ là những cơ được dùng đến trong chỉ 1 trick, chưa nói tới cả 1 bài biểu diễn. Những cơ này, không chỉ phải khỏe, mà còn phải dẻo - đối với mình, một pole dancer giỏi như một nghệ sĩ toàn năng. Thế giới múa cột dẫn bạn từ tập ở lớp, tới trình diễn, tới những cuộc thi, tới những sân chơi trại hè pole camp để được học từ những vũ công giỏi nhất thế giới. Tất cả mọi thứ đều trong tầm tay, cơ hội biểu diễn trên sân khấu chuyên nghiệp được tổ chức bởi các studio mỗi năm 1 lần, không có gì là quá xa vời hay bị giới hạn.
LỊCH SỬ VÀ PHÂN LOẠI
Đây là một bộ môn có lịch sử dày hàng thế kỷ, từ là môn thể thao truyền thống Ấn Độ (Mallakhamb) tới xiếc cột Trung Hoa, cùng vào thế kỷ 12. Du nhập vào Mỹ từ những năm 1920, các vũ công biến đổi múa cột thành mình thức nhảy sexy, từ gánh xiếc du mục tới những câu lạc bộ thoát y với trang phục gợi cảm.
Chỉ từ thập niên 90 trở đi, người ta mới dần nhìn nhận pole dance là một bộ môn nghệ thuật và thể thao, được vận dụng cách kỹ thuật thể dục dụng cụ (gymnastic), yoga, ballet cổ điển vào múa cột. Với bề dày lịch sử như vậy, múa cột phân nhánh ra thành nhiều 3 phong cách chính cho bạn tha hồ thử thách bản thân:
1. Pole Sport (Múa cột thể thao)
Tập trung vào sức mạnh, thể lực và độ dẻo. Có thể nói, đây là thể loại nhiều peer pressure nhất vì mọi động tác đều có thể được đánh giá trên thang điểm. Dù muốn phát triển theo nhánh nào, thì quá trình luyện tập ban đầu của một vũ công cũng thường có cùng hướng đào tạo như nhau và thường thiên về pole sport. Mình đã dừng giấc mơ pole sport vì chứng mồ hôi tay khi hồi hộp khó giúp mình tiến xa.
Các động tác thường là các kỹ thuật nâng người, xoay vòng, đảo ngược cơ thể trên cột.
Thường có trong các giải đấu thể thao chuyên nghiệp.
2. Pole Art (Múa cột nghệ thuật)
Nhấn mạnh vào tính biểu cảm, kể chuyện và sáng tạo nghệ thuật. Sau khi vỡ mộng Pole Sport, mình đã chuyển sang hướng Pole Art trong đợt chẩn đoán bipolar. Pole Art cho phép người diễn truyền tải cảm xúc như hạnh phúc, đau buồn, khao khát hoặc sự mạnh mẽ. Sau này, khi ổn định trở lại, mình muốn tìm đến cái gì đó bớt quằn quại hơn 🤣
Kết hợp giữa múa đương đại, ballet và kỹ thuật cột. Thường sử dụng chân trần để tạo độ tự nhiên trong từng chuyển động.
Phổ biến trong các cuộc thi hay show diễn mang tính nghệ thuật cao.
3. Exotic Pole Dance (Múa cột quyến rũ - Exotic Dance)
Kết hợp giữa các động tác gợi cảm, di chuyển uyển chuyển và sử dụng giày cao gót (platform heels).
Trong Exotic, về cơ bản, ta lại có thể chia ra:
1️⃣ Exotic Old School → Strip Club & Sexy Dance
2️⃣ Exotic Hard → Strip Club + Power Moves
3️⃣ Exotic Flow → Strip Club + Múa Đương Đại📌 Exotic Hard = Nhanh, mạnh, bùng nổ, kỹ thuật khó.
📌 Exotic Flow = Mềm mại, uyển chuyển, cảm xúc nhiều hơn.
Càng ngày càng có nhiều biến thể của từng phong cách hơn, sự sáng tạo của các vũ công cột thật sự không có biên giới. Hiện mình đang đầu tư nhiều thời gian nhất vào Exotic Pole, có vẻ phù hợp với thể chất và cá tính của mình hơn. Phải mất 10 năm mình mới nhận ra điều đó, hi vọng đây không phải tình đầu nhưng là tình cuối 🥺
Thường có các yếu tố như lăn, bò, đá chân (kicks), uốn cong người trên sàn (floorwork). Ở dưới cột nhiều hơn đu trên cột.
Trang phục sexy, máu lửa hơn. Thường sử dụng cột tĩnh (static pole) - tức là cột…không tự xoay 😂
Khác với cột xoay (spinning pole) được sử dụng nhiều hơn trong 4 loại hình còn lại, vũ công exotic phải tự tạo đà xoay, dùng nhiều sức hơn để duy trì chuyển động và kiểm soát cân bằng.
Được phát triển từ văn hóa Strip club và hiện vẫn thịnh hành trong các party và biểu diễn nghệ thuật khác.
Ngày nay, chúng ta có nhiều giải quốc tế cho vũ công/vận động viên múa cột trình diễn, đưa múa cột vào Thế vận hội Olympic là niềm mong ước cháy bỏng của cả cộng đồng. Các giải đấu thường có nhiều cấp độ (beginner, amateur, professional, elite) và hạng mục (solo, đôi, nhóm, exotic, art…).
Giải đấu chuyên về thể thao và nghệ thuật
World Pole Sports Championships (WPSC): Giải đấu lớn nhất do Liên đoàn Thể thao Cột Quốc tế (IPSF) tổ chức, nhấn mạnh vào kỹ thuật, sức mạnh và độ khó.
World Pole Championship (WPC) là một trong những giải đấu pole dance quốc tế lớn nhất, do Pole Sports & Arts World Federation (POSA) tổ chức. Đây là giải đấu chuyên nghiệp, tập trung vào cả thể thao (Pole Sports) và nghệ thuật (Pole Art).
Pole Art: Tập trung vào sự sáng tạo, biểu cảm và nghệ thuật trình diễn. Các giải như Pole Art Italy, Pole Art France rất nổi tiếng.
Pole Theatre: Kết hợp cột với diễn xuất, kể chuyện, thường có các hạng mục như Drama, Comedy, Classique, Art.
Giải đấu mang tính giải trí hoặc sexy style
Miss Pole Dance: Nhấn mạnh sự quyến rũ, linh hoạt và trình diễn sân khấu, phổ biến ở nhiều quốc gia.
Exotic Generation: Dành cho phong cách Exotic Pole, kết hợp nhảy trên giày cao gót với các động tác quyến rũ, mạnh mẽ.
Các tiêu chí đánh giá một màn trình diễn hoặc bài thi pole dance sẽ khác nhau tùy theo giải đấu, nhưng nhìn chung có thể chia thành 4 nhóm chính:
1. Kỹ thuật (Technique) – 40-50%
Độ chính xác của động tác: Các tư thế, xoay, giữ thăng bằng có đúng kỹ thuật không?
Độ khó (Difficulty level): Các động tác có mức độ phức tạp cao hay không? Có nhiều động tác nâng cao (tricks & combos) không?
Kiểm soát cơ thể (Control & Fluidity): Người biểu diễn có giữ vững thăng bằng, di chuyển mượt mà giữa các động tác không?
Sự đa dạng động tác: Có kết hợp nhiều kỹ thuật như xoay (spins), giữ thăng bằng (holds), đảo ngược (inverts) không?
2. Nghệ thuật (Artistry & Performance) – 30-40%
Diễn xuất (Expression & Emotion): Biểu cảm có phù hợp với bài nhạc không? Có tạo được cảm xúc cho khán giả không?
Sự sáng tạo (Creativity): Có mang dấu ấn cá nhân không hay chỉ là những động tác phổ biến?
Trang phục & dàn dựng (Costume & Stage Presence): Có phù hợp với chủ đề và làm nổi bật bài diễn không?
Chuyển động ngoài cột (Floorwork & Transitions): Có kết hợp di chuyển linh hoạt trên sàn hay chỉ tập trung trên cột?
3. Kết cấu bài diễn (Composition & Flow) – 20-30%
Bố cục hợp lý: Có sự chuyển tiếp mượt mà giữa các phần hay bị đứt quãng?
Sự cân bằng giữa cột tĩnh và cột xoay (nếu có): Sử dụng cả hai loại cột một cách hợp lý?
Cách sử dụng không gian: Người biểu diễn có tận dụng tối đa sân khấu không hay chỉ đứng ở một chỗ?
4. Sự tự tin & kết nối với khán giả (Stage Presence & Charisma) – 10-20%
Tương tác với khán giả: Người biểu diễn có thể hiện sự cuốn hút, lôi kéo ánh nhìn từ người xem không?
Tự tin và phong thái: Cảm giác bài diễn có trôi chảy, thoải mái hay có dấu hiệu căng thẳng, mất tập trung?
💡 Tóm lại:
Giải thiên về thể thao (Pole Sports) sẽ chú trọng kỹ thuật, độ khó và độ chính xác.
Giải mang tính nghệ thuật (Pole Art, Exotic Pole, Pole Theatre) sẽ quan tâm nhiều đến sáng tạo, biểu cảm và khả năng kết nối với khán giả.
CỘNG ĐỒNG & THÁCH THỨC
Cộng đồng múa cột, sau 10 năm trải nghiệm từ Bắc tới Nam và ở Pháp, mình can đoan rằng đây là nơi nhiều sự động viên và hỗ trợ, giao lưu học hỏi lẫn nhau nhất. Nó như một sự tổng hòa của tinh thần thể thao “thượng võ”, sự trân trọng cho nghệ thuật và…tình chị em 😂.
Điều khiến người múa cột năm châu dễ dàng kết nối với nhau là những tips, tricks được chuẩn hóa tại tất cả phòng tập - nơi mọi người thoải mái tự hướng dẫn bạn bè (với điều kiện đảm bảo an toàn và đúng kỹ thuật). Nếu bạn học bài bản thì đi đâu học cũng hiểu được, không bị phụ thuộc vào tương đồng ngôn ngữ. Hơn nữa, múa cột thường là biểu diễn đơn hoặc theo nhóm, không mang hình thức combat nên không nhiều sự cạnh tranh bè phái.
Dù đã phát triển vượt nhanh và vững chắc, múa cột có lẽ sẽ luôn là môn thể thao không dành cho tất cả mọi người. Instagram chính là ngôi nhà cho các pole dancer khoe thành quả sáng tạo và luyện tập của mình, mọi người được khuyến khích truyền cảm hứng, kết nối với nhau cả online và ngoài đời thực. Sự đoàn kết và thân thiện của những người yêu cột với nhau cũng có thể được gây dựng lên bởi sự thật ngầm hiểu: chúng ta là một cộng đồng nhỏ đặc thù. Lý do tại sao múa cột không trở nên phổ biến vượt bậc hơn nữa?
1. Định kiến xã hội
Nhiều người vẫn gắn múa cột với các quán bar, vũ trường, được coi là gợi cảm quá mức và không phù hợp thuần phong mỹ tục, thay vì nhìn nhận nó như một môn thể thao hoặc nghệ thuật trình diễn đích thực. Có những bạn mình quen, sau khi kết hôn, bị phía bên chồng yêu cầu hạn chế tập. Hoặc những video luyện tập mà vũ công rất tự hào, khi post lên mạng, trở thành “thả thính”, “mồi câu sự chú ý” hoàn-toàn-ngoài-ý-muốn và bất-đắc-dĩ.
Do tính chất “gây tranh cãi” của bộ môn, fun fact tại phòng tập ở Việt Nam là tỷ lệ các cô gái hẹn hò với người nước ngoài có quan điểm cởi mở hoặc bản thân có yếu tố quốc tế (công việc, trường lớp, sở thích) rất cao.
Ngược lại với tư tưởng con gái múa cột là hư hỏng, các cô gái mình đã quen trong suốt 10 năm qua từ cộng đồng múa cột đều có điểm chung là vô cùng thông minh, độc lập, mạnh mẽ, kiên trì và thành công trong rất nhiều ngành nghề khác nhau, có nét tính cách độc đáo, đa dạng. Mình hàm ơn múa cột, không chỉ cho sức khỏe và sự dẻo dai này, mà còn những mối nhân duyên đáng quý - những người mà nhìn từ ngoài vào, không ai hiểu tại sao mình lại quen!?
Đàn ông muốn học thường không tìm được môi trường nào thiên nam, hay dễ bị coi là nữ tính quá đà.
2. Yêu cầu về thể lực và kỹ thuật cao
Pole dance đòi hỏi sức mạnh, sự dẻo dai và kỹ thuật tốt, khiến nhiều người e ngại thử. Sự thật là ai cũng bắt đầu với rổ bụng mỡ và bắp tay yếu ớt hết, tập dần mới lên. Nhưng thường các bạn hay coi đó là sự “không đạt chuẩn” để bắt đầu luyện tập. Ngoài ra, việc trang phục luyện tập quần ngắn và áo thể thao hở bụng có thể khiến nhiều bạn tự tin ngần ngại.
Một nỗi sợ của nhiều bạn nữa là lỡ bị đô, to bắp tay thì sao? Dù việc trở nên cơ bắp hơn là tất yếu, múa cột không khiến cơ thể bạn bớt nữ tính đi, mà thậm chí còn tăng phần uyển chuyển. Có thể nói, vẻ đẹp của múa cột là sự khỏe khoắn và tự tin với cơ thể của mình, dù có trông có như thế nào, thì cảm thấy cũng rất tuyệt.
Cần tập luyện lâu dài để có thể thực hiện những động tác nâng cao. Để múa đẹp như cô giáo, không phải chuyện một sớm một chiều, và càng không phải chỉ tới lớp là xong - mà còn cần tự tập rất nhiều. Tùy vào phong cách bạn chọn, có thể có những nguy hiểm nhất định gây chấn thương, cần cẩn thận.
Khi tập cột, những vết bầm đặc trưng (sẽ tan, không vĩnh viễn) được tạo nên trong quá trình luyện tập - hay còn gọi là pole kisses, có thể không phù hợp với những bạn cần ngoại hình trong công việc.
3. Thiếu cơ sở hạ tầng và giảng dạy
Ở nhiều nơi, không có nhiều phòng tập hoặc huấn luyện viên chuyên nghiệp để hướng dẫn có đủ kỹ thuật giảng dạy, kiến thức an toàn và kỹ năng truyền đạt. Thiết bị (cột, sàn tập) cũng khó lắp đặt và tốn kém hơn so với các môn thể thao khác.
Thường các giáo viên đều có 1 phong cách chính, nhưng được yêu cầu dạy từ 2 thể loại trở lên và nên có thể dạy từ cơ bản tới nâng cao để tùy chỉnh chương trình dạy theo từng học viên, nên tự trau dồi để tăng trình độ. Vì là một bộ môn tương đối khó, thầy cô giáo cần có thái độ tích cực, động viên sửa lỗi, hướng dẫn tận tình, không thiên vị (vì lớp thường đông tới khoảng 10 người). Khả năng phân tích kỹ thuật và hiểu về giải phẫu/sinh lý học là vô cùng quan trọng trong để nhận biết và phòng tránh nguy cơ chấn thương cho học viên.
Nhiều hệ thống đào tạo giáo viên trên thế giới cung cấp chứng chỉ như (có thể học online):
✅ XPERT Pole Fitness (có nhiều cấp độ: Level 1 & 2, Level 3 & 4, Exotic Pole, v.v.)
✅ Spin City Pole Instructor Certification
✅ IPSF Coach Certification (dành cho Pole Sports)
✅ ElevatED Pole Teacher TrainingPhòng múa cột cần trần cao kiên cố từ 3 - 4.5m, sàn gỗ hoặc giả gỗ (vinyl), gương lớn, thảm bảo vệ, thảm yoga, nhà vệ sinh, hệ thống làm mát, chiếu sáng và âm thanh, hộp sơ cứu, có đủ cột đạt chuẩn, được lắp đúng cách (nếu không có thể đổ) - cách nhau tối thiểu 2 - 2,5m giữa các cột.
HÀNH TRANG TẬP MÚA
Một trong số những câu hỏi thường gặp nhất liên quan tới múa cột là trang phục của vũ công: Tại sao lại phải “thiếu vải” như vậy? Câu trả lời nằm ở những điểm bám (gripping points) trên da khi tiếp xúc với cột, khi mặc đồ dài - người múa sẽ rất khó giữ được mình trên cột và dễ gây nguy hiểm. Tất nhiên, vẫn có thể sử dụng quần áo có độ bám chuyên dụng để không lộ cơ thể, nhưng đây không phải điều thường gặp.
Nói như vậy, tức là vũ công sẽ mặc đồ tập ngắn, có nhiều hãng đồ pole wear (trang phục múa cột) được sinh ra nhằm tạo nên những bộ cánh điệu đà hay đầy cá tính mà vẫn đảm bảo công năng bám cột. Việt Nam hiện tại có Lysxwear, Pole Mania Wear, Spincess,… Đa phần các hãng đều là chủ studio đá sân sang thời trang. Chị em pole dancer cũng rất thường order đồ từ nước ngoài về. Mình nghèo nên mình mặc đồ bơi Shopee, 1688 hay Shein 😂
Tủ đồ của pole dancer thường phải được gọi là bộ sưu tập mới đúng: Càng nhiều, càng ít 😆
Các vật phẩm cần thiết khác có thể kể tên:
Knee pad - bó bảo vệ đầu gối. Bản Việt/Trung dùng cho thể thao nói chung trông hơi xấu thì dưới 300k, hàng nhập đẹp chuyên dụng thì loanh quanh 1 triệu VND.
Giày cao gót 8-9 inches: Hãng nổi tiếng nhất là Pleasers từ Mỹ khoảng 2 triệu một đôi trở lên, mình thì hay mua hãng Trung Quốc khoảng dưới 1 triệu VND. Phải là giày thiết kế riêng để múa cột ạ, có thể mua thêm bảo vệ giày hoặc tự chế tại nhà.
Grip aid (chất hỗ trợ bám tay): 200k – 1 triệu VND (Dry Hands, iTac, Mighty Grip). Mình nghèo, nên mình dùng phấn nước tập gym 200k dùng 1 năm không hết.
Nếu bạn lắp cột tại nhà thì cột giá hiện khoảng 10-15tr tùy thương hiệu, nhưng gần Việt Nam nhất là hãng X-Pole ship từ Trung Quốc về. Có thể là cột khoan trần hoặc cột hút chân không lên trần với chất liệu stainless steel (inox), chrome, brass (đồng thau) hoặc silicone (độ bám tăng dần theo thứ tự liệt kê). Thảm bảo vệ khoản 2-3tr VND nữa ạ.
Với kinh nghiệm người đã mua và lắp cột tại nhà 2 lần, rồi đều bán đi, thì mình thấy đến studio tập sướng hơn, có động lực hơn ạ ^^
Bài viết xin chấm hết tại đây vì đã quá dài và mình cần đi tập Show cho 23/3 tới đây! Hi vọng bài viết chi tiết hơi mất kiểm soát này lan tỏa được tình yêu của mình với múa cột tới những vũ công tương lai 😍